Buzz marketing là gì? Khoan nói về định nghĩa cụ thể của buzz marketing, bạn cũng có thể đã bắt gặp cách thức marketing này rồi đấy.
Bạn đã bao giờ nghe đến việc có hàng tá người xếp hàng tại các cửa hàng Apple để mua được mẫu iPhone mới nhất? Người ta có thể vì là một “Apple fan” nên sẵn sàng thức cả đêm chờ đợi để có thể trở thành người đầu tiên sở hữu sản phẩm mới của nhà táo. Điều này vẫn luôn xảy ra mỗi khi Apple chuẩn bị cho ra mắt một sản phẩm mới.
Các trang mạng, báo chí, truyền thông bắt đầu đưa tin về sản phẩm mới này. Lượt bình luận và chia sẻ tăng lên nhanh chóng. Trong số những người bình luận, có người mua, có người không mua. Tuy nhiên, Apple đã thành công quảng bá cho màn ra mắt sản phẩm mới của mình. Nói cách khác, “buzz” đã được tạo ra và phát huy hiệu quả.
Cụ thể buzz hay buzz marketing là gì. Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này.
Buzz marketing là gì?
Buzz là một từ tiếng Anh được định nghĩ là “an atmosphere of excitement and activity” hay “move quickly or busily”. Tạm dịch là “không khí của sự hân hoan và hoạt động” và “di chuyển nhanh chóng hoặc tất bật”.
Từ định nghĩ của nó, ta có thể dễ dàng liên tưởng đến thuật ngữ buzz trong marketing nghĩa là hoạt động kích hoạt sự lan truyền, phản ứng sôi nổi trong cộng đồng cho một chiến dịch marketing.
Buzz marketing chính là tạo ra những hoạt động kích hoạt đó. Những tin tức, câu nói, hình ảnh hay video dễ lan truyền, dễ tạo ra sự bàn tán, tranh cãi đều có thể trở thành buzz. Mọi người càng bàn tán về những yếu tố này nhiều, chiến dịch buzz marketing đó càng nhanh chóng gây “bão”.
Hiện nay, mạng xã hội chính là một mảnh đất màu mỡ dành cho buzz marketing.
Khi buzz đã tạo nên một cơn bão khổng lồ, chiến dịch đó đã đẩy mức độ mong chờ của người dùng lên đỉnh điểm. Nếu sản phầm ra mắt sau đó không đạt được sự kỳ vọng của họ, người dùng có thể sẽ quay lưng với sản phẩm. Chính vì vậy, điều quan trọng bên cạnh những quảng cáo truyền thông rầm rộ chính là chất lượng của sản phẩm.
Các loại buzz marketing
Khi nhắc đến buzz marketing, có rất nhiều chiến lược khác nhau được áp dụng. Mỗi loại có đặc điểm và cách thức thực hiện riêng. Nhưng nhìn chung, tất cả đều hướng tới mục đích tạo được làn sóng lan truyền rộng rãi xoay quanh sản phẩm.
Mark Hughes được xem là cha đẻ của buzz marketing đã nói về hình thức này trong cuốn sách Buzzmarketing: Get People to Talk about Your Stuff xuất bản năm 2008 của mình.
Theo ông, có 6 loại buzz marketing. Sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu về từng loại và khám phá tại sao chúng lại có thể tạo nên những chiến dịch marketing tuyệt vời.
Taboo (Điều cấm kỵ)
Khi nghe những điều cấm kỵ hay bất bình thường, não bộ chúng ta sẽ có những phản ứng nhất định. Mọi người thường chia ra những phe khác nhau khi có một vấn đề nhạy cảm về các chủ đề hiếm khi được nhắc đến.
Những chủ đề dễ gây tranh cãi dễ dàng khiến mọi người phản ứng và đưa ra ý kiến tranh luận. Chính vì vậy, đây là một trong những cách hiệu quả cho chiến dịch buzz marketing
Unusual (Chuyện bất thường)
Những thứ bất thường kích hoạt sự tò mò của chúng ta. Nó thường được sử dụng trong chiến dịch buzz marketing của rất nhiều thương hiệu. Apple là một ví dụ điển hình.
Những thứ bất thường có thể là cái gì đó hoàn toàn mới mẻ, chưa bao giờ được công bố hay là những thay thế và cải tiến tốt hơn cái đã có sẵn. Bất thường ở đây không mang sắc thái tiêu cực mà là những yếu tố không thường thấy có thể tạo sự chú ý ngay trong khoảnh khắc nó xuất hiện.
Remarkable (Đáng chú ý)
Các kích hoạt “Remarkable” được tạo ra khi thương hiệu làm một điều gì đó mà trước giờ họ chưa từng làm cho người dùng của mình.
Cách thức này thường được triển khai dựa vào sự hài lòng của khách hàng. Thương hiệu đánh vào tâm lý luôn muốn lắng nghe những câu chuyện có liên hệ gần gũi với họ. Một câu chuyện về thương hiệu được kể qua lời những người khách đặc biệt như người nổi tiếng là cách thu hút sự chú ý của dư luận hiệu quả.
Outrageous (Táo bạo)
Những sự kiện giật gân hay táo bạo luôn khiến chúng ta bất ngờ và choáng ngợp. Dù theo hướng tích cực hay tiêu cực, những sự kiện như vậy có thể dễ dàng trở thành “buzz”.
Bạn có thể tìm thấy rất nhiều thương hiệu sử dụng cách thức này để truyền thông cho sản phẩm hay sự kiện sắp tới của họ. Tuy nhiên cũng có những trường hợp, mọi chuyện vượt quá tầm kiểm soát và thương hiệu nhận về phản ứng tiêu cực của dư luận.
Hilarious (Hài hước)
Đây là cách thức truyền thông thu hút sự chú ý của khán giả bằng tiếng cười của họ. Sử dụng yếu tố gây cười trong buzz marketing vô cùng phổ biến và cũng rất hiệu quả vì chúng ta luôn thích những thứ vui vẻ.
Tuy nhiên, cũng có những chiến dịch marketing được xây dựng với yếu tố hài hước làm trung tâm nhưng lại phản tác dụng vì “quá chán hay mang tính xúc phạm”. Nói một cách dân dã theo dân trong ngành là làm chưa tới.
Điều quan trọng là phải hiểu khán giả và cách mà họ phản ứng lại với “sự hài hước”.
Secret (Bí mật)
Cách cuối cùng là dựa vào những bí mật để nhận về sự chú ý. Kích thích sự tò mò của khán giả bằng cách cung cấp cho họ những gợi ý xoay quanh một vấn đề gì đó lớn lao sắp xảy ra có thể dễ dàng tạo ra “bão” truyền thông.
Đây cũng là cách tạo tâm lý sợ bỏ lỡ (Fear Of Missing Out) để kéo mọi người vào vòng xoay thảo luận xung quanh bí mật sắp được bật mí.
Làm sao để tạo ra buzz trong buzz marketing?
Sau khi đã nắm được các kích hoạt trong buzz marketing, giờ đã đến lúc tiến hành chiến dịch nhằm thúc đẩy mọi người không ngừng bàn tán về thương hiệu/sản phẩm/sự kiện của bạn.
Dưới đây là một số bước cần thiết để tạo ra buzz marketing:
1. Hiểu về khán giả của bạn
Đây là bước quan trọng nhất trong mọi loại marketing chứ không riêng gì buzz marketing. Nhắm đúng đối tượng mục tiêu thì chiến dịch của bạn mới thành công được. Đối với dạng marketing phụ thuộc nhiều vào phản ứng và lời truyền của khán giả thì “nằm lòng tâm tư tình cảm của họ” là yếu tố vô cùng quan trọng.
Đơn giản khi sử dụng “Hilarious” hay yếu tố gây cười trong buzz marketing, nếu “gãi đúng chỗ ngứa”, bạn mới có thể hiến người ta cười khi xem quảng cáo hay slogan của mình.
2. Nói về con người hơn là về sản phẩm
Con người, cụ thể là đối tượng khán giả/người tiêu dùng mục tiêu cần là trung tâm của chiến dịch buzz marketing hơn là sản phẩm của bạn. Đương nhiên mục đích cuối cùng là để hướng tới sản phẩm hay dịch vụ sắp ra mắt với hy vọng nhận được sự hài lòng của khán giả.
Tuy nhiên, khán giả chính là người tạo ra sự lan truyền rộng rãi mà bạn đang nhắm tới cho sản phẩm của mình. Vì vậy, trước hết hãy đặt họ làm trung tâm của “cơn bão”.
Hãy tập trung vào nhu cầu, sở thích, suy nghĩ hay thói quen của họ.
3. Hợp tác với influencers
Mạng xã hội là nơi mà một câu chuyện có thể trở nên “viral” sau một đêm. Những influencer hay người có ảnh hưởng sẽ là nguồn lan truyền và tạo bão thích hợp cho một chiến dịch buzz marketing.
4. Tạo hiệu ứng kết nối hiệu quả
Hiệu ứng kết nối khi một sản phẩm có giá trị và càng ngày có càng nhiều người sử dụng nó. Đây có thể coi là một kết quả của buzz marketing cũng được. Việc mọi người truyền tai nhau mức độ hài lòng đối với một sản phẩm và khuyến khích người khác cũng sử dụng nó chính là thành công cao nhất đối với chiến dịch buzz marketing.
Điều này có thể xảy ra sau khi buzz được tung ra và phụ thuộc rất nhiều vào liệu nó có đáp ứng được yêu cầu và sự mong mỏi của khách hàng hay không.
Buzz marketing ví dụ thực tế
Ngoài Apple là một thương hiệu điển hình trong việc sử dụng buzz marketing, Glints muốn giới thiệu đến bạn một ví dụ khác khá thú vị và cũng ít nhiều gây tranh cãi “Girls Don’t Poop” của Pourri.
Pourri đã sử dụng cách thức Taboo (Điều cấm kỵ) trong buzz marketing để nói về thứ mà người ta thường không hay hoặc không thích nói tới – “poop”. Đặc biệt thương hiệu này đã mạnh bạo nói về việc “pooping (đi vệ sinh)” của phụ nữ – điều mà lại càng hiếm khi được đem ra thảo luận.
Tuy nhiên Pourri đã khéo léo truyền tải nó một cách hài hước. Hầu hết mọi người đều thấy nó buồn cười và có thể chia sẻ với người thân, bạn bè.
Quảng cáo này đã tạo nên cơn bão truyền thông. Trên Youtube, nó thu hút đến hàng chục triệu lượt xem và hàng nghìn bình luận.
Kết luận
Khi nhắc đến buzz marketing, sự khan hiếm, sự cường điệu, và truyền miệng (word of mouth) là những yếu tố quan trọng.
Hy vọng rằng đến đây bạn đã hiểu được buzz marketing là gì cũng như cách để tạo nên buzz trong marketing. Trong thời điểm mạng xã hội phổ biến như hiện nay, không khó để thực hiện một chiến dịch buzz marketing. Tuy nhiên, thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào bước nghiên cứu insight của khán giả mục tiêu.
Nguồn : glints tổng hợp
Thêm bình luận